Góc nhìn Đại biểu Quốc hội: 2018 sự bứt phá của giáo dục nghề nghiệp

05/01/2019 - 640 lượt xem

Năm 2018, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chọn là năm đột phá cho lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp để chuyển hướng sang đào tạo gắn với thị trường, gắn với cung cầu, giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp. Theo một số đại biểu Quốc hội, giáo dục nghề nghiệp là một trong những nội dung quan trọng nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó liên kết giữa các trường nghề và doanh nghiệp là xu thế tất yếu để giải quyết đào tạo nghề gắn liền với việc làm, gắn với thị trường lao động.

 

 

 

Liên kết giữa trường nghề và doanh nghiệp là xu thế tất yếu

Trong năm 2018, đã có 10 trường bắt đầu thí điểm liên kết, ký kết với 15 tập đoàn và khởi đầu bằng đào tạo theo đơn đặt hàng lên tới 150.000 sinh viên. Đây là một hướng chuyển sang đào tạo gắn với thị trường, gắn với cung cầu, giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp. Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội cho rằng, đây mới chỉ là sự mở đầu, nhưng sự mở đầu này rất quan trọng để tạo một hướng đi mới cho giáo dục nghề nghiệp cũng như thị trường lao động tại Việt Nam. Tuy nhiên, với cơ cấu lao động còn khá lạc hậu và về cơ bản Việt Nam vẫn là một thị trường dư thừa lao động thì vấn đề đặt ra hiện nay là phải đào tạo và phân bổ lao động như thế nào cho hợp lý? Người lao động Việt Nam cần phải chuẩn bị những kiến thức gì trong tiến trình hội nhập quốc tế?

Đánh giá về việc liên kết giữa các trường nghề và doanh nghiệp, đại biểu Phan Thái Bình – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam - cho hay, hiện nay xu thế chung của các trường nghề thường đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, nhờ vậy có được sự liên kết giữa doanh nghiệp với trường. Ở nước ta, tình trạng sinh viên các trường cao đẳng, trung cấp ra trường không có việc làm là khá lớn thì mô hình này là xu thế tất yếu để giải quyết đào tạo nghề gắn liền với việc làm, gắn với thị trường lao động; đồng thời sát với chuyên môn của các doanh nghiệp cần, tránh được trường hợp các doanh nghiệp sau khi tuyển người lao động phải đào tạo lại.

 

 

 

Đại biểu Phan Thái Bình – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa - chia sẻ, qua theo dõi, giám sát các hoạt động của ngành lao động, thương binh và xã hội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã kiến nghị với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phải lấy giáo dục nghề nghiệp là một mục tiêu trọng tâm trong năm 2019. Đại biểu Bùi Sỹ Lợi lý giải, thực tế chất lượng nguồn nhân lực hiện nay của nước ta rất thấp. Chỉ tiêu lao động qua đào tạo là 56% nhưng thực chất trong số đó mới có 23,5% là lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên được cấp chứng chỉ và được cấp bằng. Đại biểu nhấn mạnh, rõ ràng so với quốc tế là nguồn nhân lực của nước ta đang đứng ở đỉnh điểm rất thấp. Nếu chúng ta không phát triển giáo dục nghề nghiệp thì chúng ta sẽ không đảm bảo một cơ cấu lao động để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Theo đại biểu Trần Thị Hằng – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh, vấn đề giáo dục nghề nghiệp là một trong những nội dung quan trọng nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Để phát huy vai trò quan trọng của giáo dục nghề nghiệp thì phải có các giải pháp như quy hoạch lại mạng lưới giáo dục nghề nghiệp; nâng cao tính tự chủ cho các trường và tính kết nối giữa các doanh nghiệp với các nhà trường bởi việc đào tạo phải gắn với nhu cầu của doanh nghiệp.

 

 

 

Đại biểu Trần Thị Hằng – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh

Tín hiệu đáng mừng với mô hình giáo dục nghề nghiệp

Để đáp ứng yêu cầu công việc trong bối cảnh khoa học, công nghệ không ngừng phát triển, các trường đào tạo nghề hiện nay đang không ngừng đổi mới tư duy, phương pháp dạy học. Bằng cách rút ngắn thời gian đào tạo, chỉ tập trung vào những học phần có tính thực tiễn cao. Tăng cường thực hành, thực tập đã giúp những sinh viên vừa có trình độ chuyên môn kỹ thuật, vừa có kỹ năng nghề nghiệp.

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế trong thời đại 4.0, không chỉ có giáo dục nghề nghiệp mà ở đây còn cần có sự tham gia của cả xã hội. Trong đó, đặc biệt là mối liên hệ gắn kết doanh nghiệp và nhà trường. Những cái bắt tay của doanh nghiệp với các trường dạy nghề sẽ là nền tảng giúp cho việc đào tào gần sát hơn với nhu cầu tuyển dụng thực tế hơn. Với mô hình đào tạo này, người lao động sau khi được đào tạo đã có thể bắt tay ngay vào công việc mà hầu như không còn bỡ ngỡ với tất cả những công đoạn sản xuất cũng như những kỹ năng làm việc thực tế.

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Quân cũng nhấn mạnh, việc đào tạo gắn với doanh nghiệp là yêu cầu bắt buộc và một trường nghề thì phải xác định được sinh viên của mình ra trường làm gì, thực tập ở đầu và đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp nào thì khi đó mới thành công được trong vấn đề tuyển sinh và tổ chức đào tạo. Bên cạnh đó, việc đưa doanh nghiệp vào các trường nghề cũng giải quyết được vấn đề năng lực đào tạo của các trường nghề và qua thực hành nhà trường nhận được sự hỗ trợ của các doanh nghiệp trong việc tăng cường năng lực. Qua đó, giữa nhà trường và doanh nghiệp không chỉ có việc hợp tác tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp mà có thể hợp tác sâu hơn.

 

 

 

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Quân

Một tín hiệu đáng mừng nữa đối với mô hình giáo dục nghề nghiệp mới này là tỷ lệ học sinh tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đạt trên 70%, ở một số nghề đạt trên 90% với mức thu nhập bình quân từ 7-10 triệu đồng/tháng. Trung bình tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp có việc làm ngay sau khi ra trường đạt trên 80%. Những trường có quan hệ tốt với doanh nghiệp, sinh viên có việc làm ngay đạt 100%, mức lương khởi điểm từ 4,6 - 10 triệu đồng/tháng. Một số trường nghề đã cam kết việc làm cho sinh viên ngay từ đầu vào.

Giáo dục nghề nghiệp cần một cuộc “cách mạng” để nâng chất lượng đào tạo, đáp ứng nguồn nhân lực cho đất nước thời kỳ hội nhập. Đây chính là khẳng định của Tư lệnh ngành Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Với giải pháp đột phá chính là giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, sẽ giúp tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Từ đó đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo cho nền kinh tế - trong đó có bộ phận nhân lực chất lượng cao, tiếp cận trình độ các nước phát triển trên thế giới.

Thay đổi quan điểm về học nghề không đơn giản trong một xã hội sính bằng cấp. Và cổng trường đại học vẫn là mơ ước của rất nhiều người. Giải pháp duy nhất để xã hội lựa chọn giáo dục nghề nghiệp chính là chất lượng. Và khi công tác đào tạo có chất lượng tốt, chúng ta sẽ có nguồn nhân lực chất lượng tốt. Không những chỉ góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay. Mà giáo dục nghề nghiệp còn hướng đến giải quyết dứt điểm tình trạng thất nghiệp, “ thừa thầy thiếu thợ” đang diễn ra ở Việt Nam trong suốt thời gian qua.

 

 

 

Giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh hội nhập

Bên cạnh những tín hiệu lạc quan về giáo dục nghề nghiệp thì hiện nay thị trường lao động trong nước vẫn còn gặp nhiều bất cập. Nguồn cung chất lượng lao động vẫn còn thấp, điều này sẽ gây khó khăn trong việc cạnh tranh và thu hút đầu tư nước ngoài về Việt Nam. Đề xuất giải pháp nào để khắc phục tình trạng trên, đại biểu Trần Thị Hằng – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh - cho rằng, việc dự báo cung cầu rất quan trọng để sao cho sinh viên sau khi được đào tạo ra có việc làm và làm đúng ngành mình được đào tạo. Đại biểu Trần Thị Hằng cho rằng, cần phải có cơ sở dữ liệu về dự báo cung cầu lao động. Để làm được việc này đòi hỏi Bộ Lao đông - Thương binh và Xã hội phải triển khai bài bản từ các trường đến các địa phương để thấy được cung cầu lao động để đào tạo.

Đại biểu Trần Thị Hằng cho biết thêm, vừa qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học cũng đã đưa những nội dung này vào trong đó nâng cao công tác quản lý nhà nước, trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực này và có đưa ra những quy định nhằm nâng cao tính tự chủ ở trong các trường như về tuyển sinh, nhân lực cũng như là về kinh phí.

Theo đại biểu Bùi Sỹ Lợi – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần chỉ đạo theo cách đào tạo kèm cặp tại doanh nghiệp. Doanh nghiệp có quyền tuyển lao động vào đào tạo nghề; nhà nước hỗ trợ để người lao động khi được đào tạo kèm cặp tại doanh nghiệp thì người ta vừa giỏi về lý thuyết lại thông thái về thực hành dẫn đến đào tạo sử dụng được ngay. Đại biểu nhấn mạnh, rõ ràng việc đào tạo hiện này phải gắn với cơ sở đào tạo, gắn với thị trường lao động và tốt nhất là giao luôn chỉ tiêu đào tạo cho những cơ sở doanh nghiệp có đủ điều kiện để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu.

 

 

 

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa

Liên quan đến việc tăng cường tự chủ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đại biểu Phan Thái Bình –  Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam - phân tích, khi giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ có những thuận lợi và khó khăn nhất định. Về thuận lợi thì cơ sở giáo dục được chủ động trong đề án án giảng dạy, chủ động cả về bộ máy tổ chức kinh phí, chủ động trong tuyển sinh và thời gian học tập và liên kết đào tạo. Tuy nhiên, nó cũng có những hạn chế khó khăn nhất định như việc tuyển dụng, chỉ tiêu tuyển dụng rất khó. Mặc dù tự chủ nhưng vẫn cần có quản lý của nhà nước ở mức nhất định để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh.

Mục tiêu từ nay tới năm 2020, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội kỳ vọng sẽ có khoảng 100 trường cao đẳng chất lượng cao. Tới năm 2030, con số các trường cao đẳng chất lượng cao sẽ là 200 trường. Cùng với đó, Bộ sẽ khuyến khích phát triển mạng lưới các cơ sở giáo dục tư thục. Việc nâng cấp những trường trung cấp đang hoạt động và có hiệu quả lên cao đẳng cũng sẽ tạo lên một mạng lưới giáo dục nghề nghiệp chất lượng cho các học viên lựa chọn. Với phương thức đào tạo, đa dạng hóa các ngành nghề đào tạo, hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp để nâng cao chất lượng đào tạo sẽ giúp tăng cơ hội việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp. Đồng thời hướng đến giải quyết dứt điểm tình trạng thất nghiệp, “thừa thầy thiếu thợ” đang diễn ra ở Việt Nam trong suốt thời gian qua./.

 

Bình luận Facebook

Tin tức khác

Website được thiết kế bởi Tất Thành

online Đang online: 9 - Tổng truy cập: 606.504

Đăng ký ngay để nhận tư vấn khóa học

Vui lòng để lại thông tin liên lạc để chúng tôi có thể tư vấn rõ hơn về các khóa học