Nâng cao kỹ năng làm việc trong bối cảnh hội nhập quốc tế

28/11/2018 - 702 lượt xem

 


Bàn chủ tọa hội thảo
Sáng 26/11, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TBXH, Bộ Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đồng tổ chức hội thảo “Về chính sách thị trường lao động và sự cần thiết nâng cao kỹ năng trong bối cảnh hội nhập quốc tế” với thông điệp “Chính sách thị trường lao động và nâng cao kỹ năng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết khi Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới của hội nhập quốc tế sâu rộng hơn…”

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Doãn Mậu Diệp cho biết, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có nghĩa là sự can thiệp mang tính hành chính, mệnh lệnh của Nhà nước sẽ giảm dần, tiến tới chấm dứt, để thị trường lao động của Việt Nam vận hành theo nguyên tắc của thị trường, tuân thủ những tiêu chuẩn của lao động và quan hệ lao động theo chuẩn mực quốc tế. “Thị trường lao động Việt Nam đang đi theo hướng này”, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp khẳng định, đồng thời nhấn mạnh, về mặt thể chế, luật pháp, chính sách về quan hệ lao động và thị trường lao động từng bước được hoàn thiện với việc Ban hành Bộ luật lao động, Luật Việc làm, Luật Bảo hiểm xã hội và các luật có liên quan. Chính sách thị trường lao động được thể hiện khá rõ nét trong Luật Việc làm với việc thiết kế không chỉ các chính sách thị trường lao động thụ động, giải quyết hậu quả của thất nghiệp, mà còn bao gồm cả chính sách thị trường lao động tích cực, nhằm hỗ trợ NLĐ và doanh nghiệp, duy trì việc làm, tránh sa thải, giảm thất nghiệp. Các chính sách của thị trường lao động Việt Nam cũng có giải pháp hỗ trợ NLĐ thất nghiệp có được nguồn hỗ trợ thay thế tiền lương khi mất việc, có thể nâng cao kỹ năng để đáp ứng yêu cầu của công việc mới thông qua đào tạo, bổ sung những kỹ năng cần thiết, có thể nhanh chóng tìm được việc làm thông qua hỗ trợ hệ thống trung tâm việc làm công. Các chính sách của thị trường lao động Việt Nam cũng đã hỗ trợ doanh nghiệp, có thể đào tạo nâng cao kỹ năng làm việc để thích ứng với tiến bộ của khoa học công nghệ, tổ chức lại và tái cơ cấu lao động để có thể duy trì việc làm cho NLĐ...

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp phát biểu tại hội thảo

Trong bối cảnh Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và những nỗ lực không ngừng nhằm phê chuẩn hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam, Việt Nam đang nỗ lực cải cách pháp luật lao động và hệ thống quan hệ lao động hướng tới việc làm bền vững cho tất cả mọi người nhằm đảm bảo sự chia sẻ công bằng lợi ích từ thương mại tự do và tăng năng suất.

Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam, bà Beatrice Maser nhấn mạnh tầm quan trọng của “đối thoại xã hội, cải thiện điều kiện làm việc và tăng năng suất nhằm đáp ứng yêu cầu của quá trình toàn cầu hóa sản xuất, từ đó đóng góp cho tăng trưởng kinh tế bền vững và toàn diện”. Thụy Sỹ bắt đầu chương trình hỗ trợ phát triển cho Việt Nam từ đầu thập kỷ 90. Thông qua sự phối hợp chặt chẽ với ILO và các đối tác phát triển khác, chương trình đã đạt được những tiến bộ tích cực.

Theo ông Raymund Furrer, Đại sứ, Giám đốc Chương trình Phát triển và Hợp tác Kinh tế, Bộ Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ, việc tăng cường hội nhập kinh tế và thương mại của Việt Nam quan trọng hơn bao giờ hết nhằm đảm bảo mọi người Việt Nam đều được hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế bền vững và toàn diện.

Các chuyên gia trao đổi tại hội thảo

Tại hội nghị, ILO và OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) đã trình bày kết quả của một nghiên cứu do Thụy Sỹ tài trợ về thị trường lao động tại ASEAN. Báo cáo cho thấy sự cần thiết phải cải thiện kỹ năng, thúc đẩy quyền của NLĐ và mở rộng phạm vi của các cơ chế bảo trợ xã hội nếu các nước muốn được hưởng lợi từ thương mại tự do. Quốc vụ khanh Thụy Sỹ, ông Zürcher tin tưởng rằng, báo cáo sẽ giúp củng cố thể chế về thị trường lao động và tầm quan trọng của thống kê lao động tại Việt Nam.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Trong bối cảnh đó, Giám đốc ILO Việt Nam TS Chang-Hee Lee khẳng định, tính kịp thời và phù hợp của sự kiện này. Ông cho biết: “Việt Nam cần có những chính sách thị trường lao động hiện đại dựa trên bằng chứng đáng tin cậy nhằm liên tục đáp ứng với sự thay đổi về nhu cầu của các ngành công nghiệp và NLĐ, cùng với việc cung cấp bảo trợ xã hội cần thiết cho NLĐ trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng với đặc thù là CMCN 4.0”. Ông cũng đánh giá cao sự hỗ trợ của Thụy Sỹ đối với Việt Nam trong việc cải thiện hiệu quả kinh doanh và điều kiện làm việc thông qua chương trình Better Work (việc làm tốt hơn) trong ngành dệt may và SCORE (Chương trình phát triển doanh nghiệp bền vững) trong ngành chế biến gỗ.

Bình luận Facebook

Tin tức khác

Website được thiết kế bởi Tất Thành

online Đang online: 13 - Tổng truy cập: 555.674

Đăng ký ngay để nhận tư vấn khóa học

Vui lòng để lại thông tin liên lạc để chúng tôi có thể tư vấn rõ hơn về các khóa học