Ngày 16/11/2018, Tại Quảng Ninh, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia. Tới dự Hội nghị có ông Trương Anh Dũng - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, ông Dương Đức Lân - Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN , phó chủ tịch Hiệp hội GDNN và nghề công tác xã hội; đại diện Cục Việc làm, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; đại diện các Vụ, đơn vị thuộc Tổng cục; đại diện tập đoàn Than khoáng sản Viện Nam; đại diện các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; đại diện các trường Cao đẳng và đại diện của Văn phòng JICA tại Việt Nam.
Phó Tổng Cục trưởng Trương Anh Dũng phát biểu khai mạc Hội nghị.
Theo báo cáo của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia đã hình thành 10 năm. Việt Nam đã xây dựng tiêu chuẩn KNNQG theo Khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia với 05 bậc trình độ kỹ năng tạo cơ sở pháp lý cho việc tham chiếu với Khung trình độ quốc gia Việt Nam, thỏa thuận công nhận lẫn nhau về trình độ và kỹ năng nghề giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực ASEAN và thế giới; Xây dựng và ban hành danh mục công việc ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn, sức khỏe của cá nhân người lao động và cộng đồng phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia;
Ông Lê Văn Phòng, Phó Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề trình bày báo cáo tại Hội nghị
Tính đến 10/2018, đã ban hành 191 bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia; đã xây dựng và ban hành đề thi đánh giá KNNQG cho 83 nghề, trong đó: 31 nghề thuộc lĩnh vực công nghiệp, thương mại; 17 nghề thuộc lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp; 08 nghề thuộc lĩnh vực giao thông vận tải; 23 nghề thuộc lĩnh vực xây dựng và 03 nghề thuộc lĩnh vực y tế, các bộ đề thi đang được được cập nhật, bổ sung theo tiêu chuẩn KNNQG. Hiện nay, đã có 42 tổ chức đánh giá kỹ năng nghề được cấp phép hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG cho 48 nghề. Tổng cục đã tổ chức đào tạo nghiệp vụ đánh giá KNNQG cho 2.214 người, trong đó, có 792 người (chiếm 35,8% số người được đào tạo) đã tham gia vào thành viên Ban giám khảo, Tổ giám sát kỳ đánh giá KNNQG, đang chuẩn bị tổ chức đào tạo nghiệp vụ đánh giá viên cho khoảng 200 người trong tháng 11-12/2018; đã tổ chức đánh giá KNNQG cho 44.794 người tại 23 nghề ở các bậc trình độ 1, 2, 3. Trong đó có 38.619 người đạt yêu cầu và được cấp chứng chỉ KNNQG, tỷ lệ đạt là 86%.
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Kể từ năm từ năm 2010 đến năm 2018 có 3 chuyên gia Nhật Bản sang Việt Nam để hỗ trợ xây dựng các quy định, quy chế về phát triển hệ thống đánh giá kỹ năng nghề. Hợp tác phát triển các kỳ thi đánh giá kỹ năng cho 5 nghề trong khuôn khổ “Chương trình thúc đẩy hệ thống đánh giá kỹ năng (SESPP)” do MHLW Nhật Bản hỗ trợ các nước Đông Nam Á bao gồm Việt Nam.
ông TOMITA SHO đại diện văn phòng JICA tại Việt Nam phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, ông TOMITA SHO đại diện văn phòng JICA tại Việt Nam trình bày sự hỗ trợ của JICA trong việc phát triển hệ thống đánh giá kỹ năng nghề Việt Nam.
Chủ toạ Hội nghị
Tại hội nghị cũng diễn ra phiên thảo luận giữa đại diện của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp với các đại biểu tham dự Hội nghị về khung trình độ quốc gia với việc xây dựng thang bảng lương; trình độ nghề với phụ cấp lương; mối liên quan giữa bậc kỹ năng nghề quốc gia và bậc thợ, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho giáo viên...
Toàn cảnh Hội nghị
Phát biểu kết thúc hội nghị Phó Tổng Cục trưởng Trương Anh Dũng cho rằng mặc dù đạt được những kết quả và hình thành nên hệ thống văn bản pháp luật, mạng lưới các trung tâm đánh giá kỹ năng, nhưng hoạt động đánh giá KNN vẫn còn nhiều tồn tại như nhận thức của xã hội còn hạn chế, sự tham gia của doanh nghiệp và người lao động vào hệ thống còn ít, đội ngũ đánh giá viên còn thấp. Đề phát triển phát triển Hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, chúng ta cần tăng cường công tác truyền thông thay đổi nhận thức; áp dụng khoa học kỹ thuật và đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong thời gian tới.