Giáo dục nghề nghiệp - Thách thức trong bối cảnh hội nhập quốc tế

20/12/2018 - 861 lượt xem
TS. Nguyễn Đức Hỗ - Giám đốc Trung tâm Đào tạo, Bồi dưỡng và Thực nghiệm, Viện Khoa học Giáo dục nghề nghiệp, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp - Bộ LĐTB&XH nhấn mạnh vai trò của giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trong phát triển nguồn nhân lực và phát triển KT-XH thời kỳ hội nhập.
Thời kỳ hội quốc tế đặt ra vấn đề quốc tế hóa trong sản xuất và phân công lao động một cách sâu sắc và mạnh mẽ. Thêm nữa, đi đôi với việc hợp tác là cạnh tranh trong hội nhập và nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ quyết định lợi thế cạnh tranh của một quốc gia. Mặt khác, việc mở cửa nhân lực dịch chuyển lao động giữa các nước diễn ra rất mạnh mẽ, người lao động muốn có thể tìm việc và dịch chuyển môi trường làm việc thì phải có kiến thức, kỹ năng thích ứng với thị trường lao động.
TS. Nguyễn Đức Hỗ - Giám đốc Trung tâm Đào tạo, Bồi dưỡng và Thực nghiệm, Viện Khoa học Giáo dục nghề nghiệp, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp - Bộ LĐTB&XH.
“Phương hướng phát triển kinh tế của Việt Nam giai đoạn 2016 - 2010, tỷ lệ lao động nông nghiệp trong lao động toàn xã hội chiếm khoảng 40%, tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm khoảng 65-70%. Chúng ta đã thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Phát triển GDNN phải gắn liền với nhu cầu phát triển KT-XH, xây dựng bảo vệ và Tổ quốc, tiến bộ KH-CN và yêu cầu phát triển nguồn nhân lực trong thị trường lao động”, TS. Hỗ chia sẻ.
Bàn về thực trạng GDNN, Giám đốc Trung tâm Đào tạo, Bồi dưỡng và Thực nghiệm, Viện Khoa học Giáo dục nghề nghiệp cho hay, hệ thống các trường GDNN (trường cao đẳng, trường trung cấp, trung tâm GDNN) dưới sự quản lý của Bộ LĐ-TB&XH hiện tại phát triển tương đối đồng bộ và tạo ra phạm vi tương đối rộng trên toàn quốc về đào tạo nhân lực cung cấp cho thị trường toàn quốc. Tuy nhiên, những khó khăn, thách thức đặt ra là không nhỏ.
TS. Hỗ chỉ ra điều “hụt hẫng” của các nhà giáo trong hệ thống GDNN. Đó là họ tốt nghiệp ở trường đại học, sau đó không được bồi dưỡng về nghiệp vụ dạy nghề nhưng lại tham gia vào công tác dạy nghề ngay. Như vậy rất khó khăn đối với nhà giáo.
Chương trình đào tạo khi đăng ký hoạt động nghề nghiệp thì tất cả các cơ sở GDNN đều phải tự chủ trong biên soạn giáo trình. Mà đa phần các cơ sở GDNN khó khăn vì quỹ thời gian không có nhiều nên hầu hết các giáo trình hầu hết là theo chương trình cũ, ít cập nhật mới.
Năm 2018, chúng ta đã thí điểm xây dựng chuẩn đầu ra giúp các cơ sở GDNN dựa vào đó định hình xây dựng chương trình. Bộ LĐ-TB&XH cũng nhận thức rõ vai trò của chương trình đào tạo quan tâm và đã ưu tiên nhập khẩu một số chương trình ở nước ngoài (8 chương trình ở Malaysia, 14 chương trình từ Đức và 12 chương trình từ Úc) để triển khai đào tạo. Tuy nhiên, việc triển khai nhìn chung còn gặp khó khăn. Việc đảm bảo điều kiện chất lượng để đào tạo đội ngũ lao động tham gia vào thị trường lao động thời hội nhập là thách thức không nhỏ đối với không ít cơ sở GDNN.
Hiện cả nước có tới gần 2.000 cơ sở GDNN, tuy nhiên các cơ sở GDNN phân vùng không đáp ứng đúng yêu cầu của thị trường lao động. Ở nơi cần lực lượng lao động thì lại không có cơ sở đào tạo. Ở nơi có nhiều cơ sở đào tạo thì sử dụng lao động không được nhiều. Do vậy, TS. Hỗ cho rằng, cần phải quy hoạch lại mạng lưới này. Đồng thời, để có lực lượng lao động đáp ứng thị trường thì cần quan tâm xác định các ngành trọng điểm và tập trung vào các trường trọng điểm có chất lượng đào tạo tốt.
Giáo dục nghề nghiệp góp phần quan trọng trong cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao thời kỳ hội nhập.
Đội ngũ gần 8 vạn cán bộ giáo viên tham gia đào tạo ở hệ thống GDNN cũng cần được bồi dưỡng thường xuyên. Song, việc bồi dưỡng nâng cao trình độ của nguồn giáo viên rất cần thiết trong khi nguồn lực và điều kiện của nhiều cơ sở hạn chế. Mảng bồi dưỡng giáo viên của các cơ sở GDNN gần như còn thiếu.
Theo TS. Nguyễn Đức Hỗ, các giải pháp cốt lõi để nâng cao chất lượng của hệ thống GDNN là: quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN, đổi mới chương trình và phương thức đào tạo, đầu tư trang thiết bị cho đào tạo, nâng cao năng lực chất lượng đội ngũ nhà giáo; đồng thời phát triển đào tạo nghề tại doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và hội nhập quốc tế.
Lệ Thu

Bình luận Facebook

Tin tức khác

Website được thiết kế bởi Tất Thành

online Đang online: 13 - Tổng truy cập: 1.052.001

Đăng ký ngay để nhận tư vấn khóa học

Vui lòng để lại thông tin liên lạc để chúng tôi có thể tư vấn rõ hơn về các khóa học