Bố khuyến khích tôi phải học thật giỏi, thi đỗ đại học, có một tấm bằng thì mới có “cần câu cơm”. Tôi học miệt mài với suy nghĩ phải thực tế hơn theo lời bố.
Học sinh một trường tiểu học trong giờ chào cờ đầu tuần - Ảnh: H.T
|
Bố mẹ như muốn “đóng khung” tôi lại. Giữa tôi và bố mẹ không bao giờ cùng quan điểm. Tôi rất muốn tâm sự nhưng chẳng thể mở lời, dường như tất cả mọi việc đều phải theo ý của bố mẹ. Mỗi khi tôi đi học thêm buổi tối về, mẹ đều dò xét với vẻ nghi ngờ: “Có thật là con đến lớp học thêm không đấy?”.
Mẹ luôn nghĩ tôi đi chơi đâu đó nên mới về muộn, mẹ không tin tôi học nhóm với bạn, cũng không tin tôi đi học thêm nghiêm túc. Chính sự nghi ngờ ấy khiến tôi cảm thấy bị tổn thương ghê gớm nhưng mẹ thì không bao giờ hiểu. Khi nào tôi cũng phải “báo cáo”, “thanh minh” để chứng tỏ mình “trong sạch”.
Đúng hơn là bố mẹ không đặt niềm tin nơi con cái. Lúc nào bố mẹ cũng cho là mình đúng và làm như thế là muốn tốt cho tôi. Ngay cả việc cấm đoán tôi đi chơi xa cùng với lớp cũng vì lý do: “Đi ra đường không nên tin ai hết”.
Khi tôi biết vu vơ nhớ nhung ai đó thì với bố mẹ chuyện tình cảm nam nữ, rung động đầu đời đều là “trò trẻ con”, nên tạm gác lại một bên để dành thời gian cho học tập. Nhiều khi muốn tâm sự với mẹ những chuyện tế nhị, riêng tư nhưng lại bị cấm đoán: “Tình yêu con trẻ là bán rẻ tương lai”.
Khi vào đại học, tôi theo bạn đi làm thêm để có kinh nghiệm, mẹ tôi xua tay: “Nhà mình chẳng thiếu tiền để con phải vất vưởng làm thêm với nếm trải. Lúc này con cứ lo học đi, đem tấm bằng loại ưu về đây là được rồi, ngoài ra thì bố mẹ không cần con làm gì cả”.
Mỗi khi tôi nói kế hoạch và dự định cho cuộc sống, cho tương lai thì mẹ sẽ bảo tôi là trẻ con, rằng tương lai của tôi đã có bố mẹ lo. Cho đến bây giờ, trong mắt bố mẹ, tôi vẫn chỉ là một đứa trẻ. Bố mẹ vẫn cư xử với tôi theo kiểu áp đặt mọi chuyện, từ chối mọi suy nghĩ của tôi. Tại sao bố mẹ không công nhận sự trưởng thành của con cái?