Sáng ngày 29 tháng 6, tại khách sạn Sheraton Hà Nội đã diễn ra Lễ khai mạc diễn đàn: “Đối thoại chính sách khu vực ASEAN về quản trị nhà nước trong đào tạo nghề thời kỳ số hóa và cuộc CMCN 4.0”.
Diễn đàn do Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp ASEAN và Bộ LĐ-TB&XH của Việt Nam với tư cách là nước chủ nhà đồng tổ chức Cùng sự hỗ trợ của Ban thư ký ASEAN và Chính phủ CHLB Đức, thông qua chương trình hợp tác khu vực đào tạo nghề (RECOTVET).
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng phát biểu tại hội thảo
Vì một cộng đồng ASEAN với “nền kinh tế xanh”
Diễn đàn được tổ chức dưới hai hình thức trực tiếp và trực tuyến, thu hút đông đảo các thành viên trong và ngoài nước trong khu vực ASEAN tham dự. Đây là cơ hội để các quốc gia ASEAN cùng tương tác, nhằm đẩy mạnh hơn nữa chất lượng đào tạo nghề, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh thế giới đang thay đổi mạnh mẽ về chuyển đổi số gắn với cuộc CMCN 4.0.
Sự có mặt của các thành viên trong hệ thống Giáo dục nghề nghiệp ASEAN tại diễn đàn này, cùng các đối tác sẽ có cơ hội cùng trao đổi, học hỏi lẫn nhau, cũng như mang đến sự chia sẻ về những thành tựu trong công tác đào tạo nghề giữa các nước trong khu vực ASEAN và Thế giới. Đối thoại chính sách kỳ vọng sẽ cung cấp nhiều thông tin đầu vào quan trọng cho các đại biểu. Đồng thời, sẽ góp phần triển khai kế hoạch hoạt động trong giai đoạn 2021- 2030 của Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp ASEAN đạt hiệu quả.
Đối thoại chính sách khu vực là một trong những hoạt động trọng tâm của Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp ASEAN (kể từ khi Hội đồng được thành lập từ năm 2020). Đây là sự kiện đầu tiên trong chuỗi sự kiện Đối thoại chính sách được tổ chức.
Chủ đề trọng tâm mà diễn đàn hướng tới là vấn đề Quản trị nhà nước trong giáo dục nghề nghiệp mà mục tiêu hướng tới là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đại biểu tham gia đối thoại sẽ thảo luận các chiến lược, cơ cấu quản trị nhà nước phù hợp và thích ứng trong thời kỳ số và nền kinh tế xanh. Hợp lực đón cơ hội, vượt qua thử thách
Thế giới việc làm đang trải qua những thay đổi lớn về cấu trúc với sự tiến bộ về công nghệ, nhu cầu ngày tăng về các kỹ năng mới cùng thay đổi trong quan hệ lao động. Sự phát triển của công nghệ, số hóa và tự động hóa hứa hẹn sẽ cải thiện năng suất, tăng sản lượng kinh tế và tạo việc làm có kỹ năng cao, mang lại nhiều cơ hội to lớn về kinh tế và xã hội ở tất cả các nền kinh tế. Tuy nhiên, những thay đổi này sẽ khiến một số ngành, nghề trở nên lỗi thời, khiến nhiều công việc của người lao động trở nên dễ bị tổn thương hơn.
Toàn cảnh hội thảo
Công nghệ phát triển dẫn đến gia tăng nhu cầu cấp bách về phát triển nguồn nhân lực. Điều đó đòi hỏi hỏi cần có các nghiên cứu về tác động đối với thị trường lao động, giáo dục, đào tạo và đào tạo lại kỹ năng lao động. Căn cứ trên những kết quả phân tích về thị trường lao động, các quốc gia sẽ có những bổ sung chính sách, nhằm đảm bảo cho người lao động sẵn sàng thích ứng trước những thách thức và cơ hội mới trong kỷ nguyên số và CMCN 4.0.
Bên cạnh đó, những tác động khác kéo theo như biến đổi khí hậu, già hóa dân số và đặc biệt là dịch bệnh như đại dịch Covid- 19 mà cả Thế giới trải qua cũng là thách thức không nhỏ đối với các quốc gia, trong đó có Việt Nam và các nước ASEAN. Những tác động đó chưa từng có tiền lệ đối với nền kinh tế, xã hội nói chung và lao động, việc làm nói riêng. Bởi vậy, nhu cầu cấp thiết đặt ra và đòi hỏi các quốc gia phải có sự thích ứng linh hoạt, thay đổi về mặt chính sách và hành động quyết liệt để tạo ra bước đột phá mới trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ số hóa và CMCN 4.0.
Thay mặt nước chủ nhà Việt Nam, ông Lê Tấn Dũng – Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh: “Phát triển nguồn nhân lực cùng với thúc đẩy phát triển bền vững và tăng cường khả năng phục hồi của khu vực ASEAN là một trong ba mục tiêu lâu dài, là kim chỉ nam phát triển của cộng đồng ASEAN như đã được ghi nhận trong Hiến chương ASEAN…
Tôi hy vọng rằng, với việc tổ chức hội nghị khu vực đầu tiên của Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp với chủ đề: Quản trị giáo dục nghề nghiệp trong Kỷ nguyên công nghệ số và Cách mạng công nghiệp 4.0, các thành viên của Hội đồng sẽ có cơ hội trao đổi sâu hơn về những thách thức mà giáo dục nghề nghiệp đang phải đối mặt và tìm ra những phương thức và tư duy mới, trao đổi thêm những điển hình tốt với các phương cách quản trị giáo dục nghề nghiệp sáng tạo từ các quốc gia thành viên ASEAN cũng như các đối tác có liên quan. Nhân dịp này, tôi xin gửi lời cảm ơn trân trọng đến chương trình RI-CÔ-TI-VET của Chính phủ Đức đã dành sự hỗ trợ đối với ASEAN trong thời gian qua và cả trong tương lai vì công tác phát triển nguồn nhân lực nói chung và giáo dục nghề nghiệp nói riêng cũng như sự phát triển và hoạt động của Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp ASEAN”.
Theo ngài Isidro Lapena – Bộ trưởng phụ trách Cơ quan Giáo dục và Phát triển kỹ năng (TESDA), kiêm Chủ tịch Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp ASEAN (ATC): Đại dịch COVID-19 càng làm cho quá trình ứng dụng công nghệ toàn cầu có tính cạnh tranh và tính thích ứng cao. Theo ông, các công ty và nhân viên đang nhanh chóng ứng dụng công nghệ số vào các quy trình sản xuất của mình, khiến cho nhu cầu về lực lượng lao động với kiến thức và kỹ năng số ngày càng tăng.
Ngài Lapena chia sẻ: “Bởi những tác động trên, các quốc gia cần phải nâng cao các hệ thống đào tạo nghề cũng như kỹ năng của lực lượng lao động, đồng thời cũng liên tục tìm cách để xác định, tổng hợp và áp dụng nhưng kỹ năng số trong lực lượng lao động”. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác khu vực nhằm giải quyết những vấn đề mới nổi, đồng thời cũng chuẩn bị cho những cơ hội mới “Chúng ta hãy hỗ trợ nhau trong quá trình xây dựng nền móng của Hội đồng Giáo dục Nghề nghiệp ASEAN và đảm bảo Hội đồng sẽ mang lại những kết quả đúng như kỳ vọng”.
Trưởng ban Phát triển Nhân lực, thuộc Ban Thư ký ASEAN, Bà Rodora T. Babaran
Còn theo Trưởng ban Phát triển Nhân lực, thuộc Ban Thư ký ASEAN, Bà Rodora T. Babaran: “Sự tham gia của các bên liên quan là một thế mạnh của Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp ASEAN và chúng ta nên tận dụng triệt để thế mạnh này. Hội đồng có tiềm năng đưa ra cách tiếp cận toàn diện trong việc thúc đẩy sự phát triển trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trong khu vực ASEAN. Điều này có thể đạt được thông qua sự hợp tác chặt chẽ và tham gia tích cực của từng thành viên của Hội đồng đại diện cho chính phủ, khối tư nhân, học thuật và các tổ chức đoàn thể liên quan khác”.
Khoảng 100 đại biểu, bao gồm các quan chức cao cấp trong lĩnh vực giáo dục và lao động từ các bộ liên quan của các quốc gia thành viên ASEAN, đại diện khối tư nhân và các tổ chức khác trong khu vực và quốc tế tham gia vào các cuộc thảo luận trực tiếp và trực tuyến tại hội nghị. Hội nghị sẽ kết thúc vào ngày 30 tháng 6.
Được biết, ngay trước khi sự kiện Đối thoại chính sách khu vực này diễn ra, Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp ASEAN cũng đã tổ chức Hội thảo về Tăng cường phát triển tổ chức vào ngày 27 – 28 tháng 6. Hội thảo tập trung thảo luận một số vấn đề then chốt liên quan tới vai trò lãnh đạo, hoạt động ưu tiên cũng như huy động nguồn lực. Các hội thảo tiếp theo sẽ được tổ chức để củng cố năng lực tổ chức của Hội đồng, giúp Hội đồng hoàn thành nhiệm vụ và sứ mệnh được giao.
Theo nghenghiepcuocsong.vn