Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trả lời phỏng vấn báo chí, truyền hình nhân dịp đầu Xuân (Ảnh: Mạnh Dũng)
An sinh xã hội hướng tới mọi người dân
- Thưa Bộ trưởng, để thực hiện những mục tiêu của Nghị quyết 28-NQ/TƯ về cải cách chính sách Bảo hiểm xã hội, Bộ LĐ-TB&XH sẽ triển khai như thế nào trong năm 2019?
Nghị quyết 28-NQ/TƯ về Cải cách Bảo hiểm xã hội là Nghị quyết rất quan trọng, tạo đột phá lớn về an sinh của Việt Nam. Vì suy đến cùng, An sinh xã hội là một chủ trương nhất quán của Đảng. Bảo hiểm xã hội cùng với Bảo hiểm Y tế là hai trụ cột chính của an sinh.
Mục tiêu, mọi người đều được quyền an sinh theo đúng tinh thần điều 34 của Hiến pháp. Để làm được điều đó, tiến tới, từng bước phải thực hiện bảo hiểm xã hội toàn dân.
Để cụ thể hóa Nghị quyết này, ngày 08/10/2018 Bộ LĐ-TB&XH đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết 125/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW.
Các giải pháp trong thời gian tới, trước hết chú trọng công tác tuyên truyền, làm sao để nhân dân nhận thức đầy đủ hơn tầm quan trọng, tính thiết yếu của BHXH đối với chính cuộc sống của mỗi người, có như vậy thì mới thành công. Và khi đó, trở thành văn hóa gọi là văn hóa an sinh như một số nước phát triển đã làm.
Nghiên cứu đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền phù hợp với đặc điểm, tính chất đặc thù của từng nhóm đối tượng, vùng miền, bảo đảm hiệu quả công tác tuyên truyền gắn với phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội thu hút sự tham gia tích cực của nông dân, lao động khu vực phi chính thức.
Thứ 2, Nhà nước cũng phải tăng cường, xây dựng các cơ chế chính sách hợp lòng dân, khuyến khích không chỉ người có quan hệ lao động tham gia, mà kể cả người chưa có quan hệ lao động, hoặc không có quan hệ lao động- cụ thể ở đây là nông dân làm trên thị trường nông nghiệp; những công việc tự do, đều có thể tham gia.
Muốn vậy, chính sách này thiết kế đa dạng, linh hoạt để đáp ứng. Tất cả 11 nhóm chính sách cải cách này phải triển khai đồng bộ.
Thứ 3, tăng cường kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm tất cả các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH. Các doanh nghiệp trón đóng, nợ đọng Bảo hiểm xã hội, ảnh hưởng quyền lợi của người lao động thì phải xử lý nghiêm.
Thứ 4, phải kết hợp đồng bộ, các cơ quan đều vào cuộc. Tôi cũng phải nói rằng một trong những mục tiêu đặt ra trong năm 2019, phấn đấu vận động được khoảng 200 ngàn người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện. Nếu đạt được chỉ tiêu này, thì 2019, bằng cả 10 năm chúng ta tiến hành vận động Bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Tôi tin rằng, với sự chỉ đạo sát sao của Đảng, sự vào cuộc quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt các địa phương, chúng ta cũng sẽ giao chỉ tiêu phát triển về Bảo hiểm xã hội cho HĐND, UBND và đồng thời với đó, phải tiến hành cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, tinh gọn, chuyên nghiệp hiện đại bộ máy Bảo hiểm xã hội.
Tiến hành đồng bộ các giải pháp đó, tôi tin rằng, cải cách chính sách Bảo hiểm xã hội theo tinh thần của Nghị quyết 28 sẽ tạo ra bước đột phá mới.
- Một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết 27-NQ/TƯ là giảm dần sự can thiệp của Nhà nước về tiền lương trong khu vực doanh nghiệp tư nhân, điều này đòi hỏi sẽ phải xây dựng được mối quan hệ lao động tốt. Vậy, trách nhiệm của Bộ LĐ -TB&XH trong việc thực hiện nhiệm vụ này như thế nào, thưa Bộ trưởng?
Nghị quyết 27-NQ/TƯ là một trong những đột phá trong thị trường lao động và trong khuyến khích tạo lập một môi trường mới cho người lao động, đồng thời đảm bảo quyền lợi của người lao động.
Trước mắt, chúng ta phải tập trung hoàn thiện toàn bộ những khuôn khổ pháp lý liên quan đến vấn đề này, sao cho vừa đáp ứng được yêu cầu trong nước, vừa phù hợp với thị trường lao động quốc tế. Đặc biệt một số Hiệp định như CPTPP, EVFTA.
Thứ hai, Nhà nước sẽ phải hướng dẫn cho doanh nghiệp để tăng cường thỏa thuận, thỏa ước lao động giữa người với giới chủ và Nhà nước sẽ tiến tới năm 2021 không còn can thiệp vào thang bảng lương của doanh nghiệp.
Nhưng Nhà nước sẽ can thiệp bằng cách đưa ra mức lương tối thiểu, mức sống tối thiểu. Và người lao động có quyền thỏa thuận với doanh nghiệp, nếu đáp ứng được yêu cầu đó, thì “tôi” làm, không đáp ứng được tôi bỏ. Và như vậy, người lao động cũng cần doanh nghiệp và doanh nghiệp cũng phải cần người lao động.
Thứ ba, Nhà nước tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách này. Không có nghĩa Nhà nước không can thiệp vào thang bảng lương, thoát khỏi “bàn tay” của Nhà nước, mà Nhà nước quản lý theo pháp luật, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển theo thị trường- thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có sự quản lý của Nhà nước.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thăm xưởng thực hành đào tạo nghề kỹ thuật hàng không, Viện Giáo dục Kỹ thuật Singapore (ITE) (Ảnh: M.C)
2019: Tập trung 4 vấn đề để tạo bước đột phá
- Với những kết quả đạt được trong năm qua, xin Bộ trưởng cho biết, năm 2019 Bộ LĐ-TB&XH sẽ chọn lĩnh vực nào làm khâu trọng tâm đột phá?
Trên cơ sở các định hướng lớn, Nghị quyết 01, Nghị quyết 02 của Chính phủ, rồi sự chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, ngành sẽ bám sát vào những nội dung của Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ, trong đó cần triển khai phát triển toàn diện 14 lĩnh vực của ngành.
Chúng tôi chọn năm nay là năm phát triển toàn diện và bứt phá. Tất cả các lĩnh vực đều phải có sự chuyển biến mới, nhưng trong đó chọn tập trung 4 vấn đề để tạo bước đột phá.
Thứ nhất, tập trung cao độ cho xây dựng, hoàn thiện các thể chế liên quan. Trọng tâm ở đây là xây dựng, và phát triển chiến lược An sinh Việt Nam 10 năm tới. Chiến lược này hướng tới làm sao để mọi người dân Việt Nam đều được thụ hưởng quyền an sinh. Quyền an sinh này ít nhất đảm bảo được 3 vấn đề: Một là Bảo hiểm xã hội, hai là Bảo hiểm Y tế, ba là mức lương tối thiểu đảm bảo mức sống của người lao động, sao cho gia đìnhhọ sống được bằng đồng lương.
Trên cơ sở đó, cũng sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt năm 2019 Bộ phải tập trung cao độ để tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội ban hành, sửa đổi Bộ luật Lao động, với những yếu tố mới, những cấu thành mới, những đáp ứng yêu cầu mới không chỉ trong nước mà còn đáp ứng yêu cầu nguồn lực quốc tế.
Song song, cũng tiến hành sửa đổi toàn diện pháp lệnh Người có công với cách mạng, theo hướng chăm lo người có công tốt hơn trong giai đoạn mới. Đồng thời giải quyết căn bản những vấn đề còn vướng mắc trong suốt chặng đường 75 năm qua.
Cùng với đó, cũng phải sửa đổi một số luật như: Luật Đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; Luật Bảo hiểm xã hội; Luật Người Cao tuổi; tiếp tục nghiên cứu tiếp luật Công tác xã hội.
Thứ 2, phải tập trung cao độ thiết lập thị trường lao động, để thị trường lao động đồng bộ hơn, lành mạnh hơn, phù hợp với xu thế thị trường. Muốn làm được, phải dự báo thị trường rất tốt, kết nối cung cầu rất tốt. Gắn giữa việc làm với đào tạo nghề nông thôn, đào tạo nghề mới, đào tạo lại người lao động. Thế rồi gắn với xuất khẩu lao động...
Thứ 3, tiếp tục tập trung cao độ cho Giáo dục nghề nghiệp. Hướng tới, làm sao cả xã hội, nhất là nhận thức của các bậc cha mẹ, người học, dần dần tiếp cận vấn đề, coi việc học nghề là một xu hướng tất yếu, là sự cần thiết thực sự trong xu thế thị trường.
Muốn làm được như vậy, năm 2019 tiếp tục quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới, tinh gọn, hiệu quả. Phấn đấu tỷ lệ người học nghề ít nhất gấp 2 lần so với năm 2018. Năm qua là năm đầu tiên hoàn thành và vượt chỉ tiêu, nhưng không được bằng lòng với kết quả đó, phải phấn đấu gấp đôi.
Đồng thời, mạnh dạn đưa hơn mười mấy nghề trong 34 bộ giáo trình tiếp cận thị trường quốc tế để có thể chuyển dịch lao động trong nước và quốc tế, để có thể phù hợp di chuyển thể nhân trong thời kỳ mới, đồng thời nghiên cứu lại chương trình đào tạo 9 + để không lãng phí nguồn nhân lực, không phải kéo dài nguồn nhân lực này trong quá trình học tập. (Mô hình 9+ là mô hình học sinh tốt nghiệp THCS là có thể học thẳng lên cao đẳng. Thời gian qua Bộ LĐ-TB&XH thí điểm mô hình này, các em 18-19 tuổi đúng Luật Lao động gia nhập thị trường và rất hiệu quả- P.V).
Đi đôi với nó là tiếp tục đặt hàng đào tạo theo đơn đặt hàng, đào tạo theo địa chỉ đầu ra. Tạo ra Giáo dục nghề nghiệp thực sự đồng bộ và với 3 khâu đột phá là tự chủ, kết nối và chuẩn hóa. Tôi tin, năm 2019, Giáo dục nghề nghiệp sẽ có bước tiến xa.
Thứ tư, Bộ quan tâm tới một số vấn đề xã hội bức xúc, nhất là lĩnh vực bảo vệ trẻ em chống xâm hại, quản lý các cơ sở cai nghiện. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; từng bước cải thiện, nâng cao mức đời sống người có công, người nghèo, đối tượng yếu thế trong xã hội.
- Về lĩnh vực cải cách hành chính, được biết, năm 2018, chỉ số xếp hạng của Bộ LĐ-TB&XH có bước tiến đáng kể, lọt top 12 bộ ngành có chỉ số cải cách hành chính tốt nhất. Vậy năm 2019, Bộ sẽ tiếp tục có những giải pháp gì để đẩy mạnh lĩnh vực này, nâng cao chỉ số hài lòng đối với người dân và doanh nghiệp?
Cải cách hành chính và ứng dụng CNTT trong năm 2019, tiếp tục được Bộ coi là một trong những trọng tâm. Triển khai đồng bộ 6 nhóm nội dung trong Cải cách hành chính, trong đó chúng tôi chọn ra 2 vấn đề lớn: một làcải cách về tập trung xây dựng thể chế, để làm sao để thông thoáng nhất cho người dân tiếp cận công việc của ngành một cách tiện ích nhất. Lấy sự hài lòng của người dân để đánh giá, làm thước đo.
Hai là, tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, các điều kiện kinh doanh, để tiến tới mỗi người dân có thẻ an sinh trong 6 trụ cột cơ bản, tích hợp trong 1 thẻ và giao cho đầu mối Bưu điện để thực hiện đồng bộ.
Thứ nữa, Bộ cùng với các địa phương, cương quyết sắp xếp, tổ chức lại các bộ máy, đặc biệt là các đơn vị sự nghiệp công lập. Tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phát huy cao độ vai trò của tập thể cũng như vai trò cá nhân, đồng thời tập trung gắn bó với địa phương sắp xếp, rà soát lại toàn bộ hệ thống Giáo dục nghề nghiệp theo hướng mỗi địa phương, nhất là các tỉnh miền núi có 1 trường cao đẳng. Nhưng trong trường cao đẳng có trường trung cấp, có đào tạo sơ cấp, đa ngành đa nghề đa lĩnh vực.
Còn lại, trên cơ sở phát triển mạnh hệ thống các trường dân lập tư thục, làm sao, các trường này thực sự vừa tinh gọn nhưng phát huy được vai trò của mình để số lượng học sinh sinh viên các trường tăng lên, ra trường có việc làm, có thu nhập. Và đồng thời các em có nhu cầu liên thông tốt hơn.
Nhân dịp năm mới 2019 và chuẩn bị đón Tết cổ truyền Kỷ Hợi, chiều 29/1/2019 Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thăm Trung tâm điều dưỡng người có công Thanh Hóa (Ảnh: Mộc Miên)
- Dịp Tết nguyên đán 2019, các hoạt động chăm lo cho các đối tượng chính sách, người có công dịp Tết nguyên đán 2019 được thực hiện như thế nào, thưa Bộ trưởng?
Chăm lo chính sách cho người có công trở thành truyền thống của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Đặc biệt vào các dịp kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ 27/7 và Tết đến Xuân về, Đảng, Nhà nước, các cấp ủy, chính quyền, và nhất là nhân dân luôn dành sự quan tâm rất sâu sắc và chu đáo với người có công và thân nhân người có công.
Chính phủ, Chủ tịch nước quyết định dành xấp xỉ gần 400 tỷ tặng quà người có công trên cả nước. Các địa phương cho đến nay ước tính dành trên 1 nghìn tỷ lo Tết cho cho người có công. Rồi các cơ sở nuôi dưỡng thương binh, bệnh binh đều được thăm hỏi, tặng quà. Các đồng chí lãnh đạo các cấp đều trực tiếp đến thăm hỏi, chúc tết các gia đình chính sách.
Trong dịp tết này, với phương châm, không để một hộ gia đình chính sách nào, cũng như không để hộ người nghèo nào không được đón tết một cách đầm ấm.
Nhân dịp năm mới, tôi xin được thay mặt toàn ngành, trân trọng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cấp ủy đảng, các ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, và nhân dân trong cả nước đã hỗ trợ ngành rất nhiều, đã tạo điều kiện cho chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ cơ bản năm 2018.
Năm 2019, chúng tôi tiếp tục mong được đón nhận sự hỗ trợ đó một cách nhiệt thành, hiệu quả hơn.
Nhân dịp đón Xuân mới, xin gửi tới các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cấp các ngành, và nhân dân cả nước lời chúc sức khỏe, an khang, thịnh vượng và xin gửi tới các gia đình người có công một lời tri ân. Và chúc các gia đình người có công cũng như các hộ nghèo cả nước một năm mới vui tươi, đón xuân hạnh phúc!
- Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!