TP.HCM chỉ cần 12% lao động có trình độ đại học

23/11/2018 - 889 lượt xem

Giới trẻ nên dựa vào khả năng thay vì sở thích để chọn trường phù hợp, không nhất thiết là học ĐH. Thực tế nhu cầu lao động của TP.HCM đến năm 2020 chỉ cần 12% có trình độ ĐH.

Buổi tọa đàm với chủ đề “Đại học không phải là con đường duy nhất” với sự tham gia của TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn, ông Trần Anh Tuấn, Phó GĐ Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM  đã cung cấp cho học sinh nhiều thông tin thiết yếu trước khi rời mái trường phổ thông. Chương trình diễn ra sáng 5/4, tại hội trường Thành đoàn TP.HCM. 

Chia sẻ với học sinh, TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn cho rằng việc học trò nào cũng chỉ muốn đậu đại học là do lỗi của gia đình, truyền thống, của xã hội còn coi trọng địa vị, bằng cấp. “Tuy nhiên đại học không phải là con đường duy nhất. Hãy nhìn ngay vào ba mẹ các em chẳng hạn, nhiều người cũng không có bằng cấp cao nhưng vẫn thành công”, ông khẳng định.

                        Các khách mời tại buổi tọa đàm.

Để việc chọn một ngành và trường phù hợp, theo tiến sĩ thì học sinh cần phải dựa vào khả năng của mình. Ông Sơn chia sẻ: “Tôi khuyên các em nên dành 6 phần cho yếu tố khả năng, 4 phần cho sở thích hay chỉ một chút xíu biểu hiện đam mê. Vì quan trọng vẫn là em làm được gì chứ không phải muốn gì? Nếu thích nhưng không phải là sở trường của mình thì cũng khó thành công”. Ngoài ra, học sinh cần phải tìm hiểu về nhu cầu nhân lực của xã hội và điều kiện kinh tế của gia đình để chọn ngành nghề, trường học hợp lý. Một học sinh đặt câu hỏi: “Làm sao để vượt qua cú sốc rớt đại học?”. Ông Sơn trả lời: “Trước khi đăng ký thi, em ước lượng khả năng vượt vũ môn của em đến đâu, nếu dự đoán mình sẽ rớt thì sẽ đỡ sốc hơn. Quan trọng hơn, các em vẫn còn ba mẹ, gia đình để làm chỗ dựa lúc khó khăn.

Tuy nhiên cần thiết là học sinh phải tự lượng sức mình, có sức chơi thì có sức chịu nếu không thì phải biết liệu sức mà chơi”. Tại buổi tọa đàm, ông Trần Anh Tuấn cũng dựa báo về nhu cầu nhân lực lao động của TP.HCM sắp tới. Theo ông, từ nay đến năm 2020, thành phố sẽ có khoảng 270.000 chỗ làm mới mỗi năm. Tuy nhiên nhu cầu trình độ lao động đại học chỉ chiếm 12%. Vì thế tỷ lệ chọi để xin việc của cử nhân hiện nay là 1/3. Ngoài ra, nhu cầu đối với lao động trình độ cao đẳng chiếm 13%, trung cấp 35%, còn lại là công nhân và sơ cấp kỹ thuật. Tỷ lệ lao động phân theo nhóm nghề: 35% nhóm ngành kỹ thuật công nghệ. Nhóm ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng, pháp luật chiếm 33%. Còn lại là các ngành nghề khác. “Để tránh tình trạng thất nghiệp, khi đi xin việc các em phải nhìn vào năng lực thật sự của mình thay vì dựa vào tấm bằng. Cử nhân cũng nên xác định tư tưởng hãy bắt đầu từ những công việc, vị trí thấp nhưng phù hợp với khả năng bởi vì mọi xuất phát điểm đều từ thấp lên cao. Ngoài ra cần chuẩn bị tốt về kỹ năng mềm cùng khả năng ngoại ngữ vững chắc”, ông Tuấn chia sẻ.

Bình luận Facebook

Tin tức khác

Website được thiết kế bởi Tất Thành

online Đang online: 4 - Tổng truy cập: 623.704

Đăng ký ngay để nhận tư vấn khóa học

Vui lòng để lại thông tin liên lạc để chúng tôi có thể tư vấn rõ hơn về các khóa học